Tuyến đường QL14 từ huyện Đắk Song đến thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) là một trong những tuyến đường có cảnh quan đẹp nhất nhì Việt Nam với 343ha rừng thông hơn 30 năm tuổi, trải dài hơn 40 km dọc quốc lộ. Tuy nhiên, do bất cập trong công tác quản lý, trong mấy năm qua diện tích rừng thông liên tiếp bị người dân triệt hạ để lấy đất làm nhà và sản xuất, thậm chí có hộ dân còn được cấp sổ đỏ trên diện tích lấn chiếm trái phép này(!?).
Mặc dù đã có nhiều cuộc họp của chính quyền địa phương để bàn phương pháp quản lý và bảo vệ rừng thông nhưng diện tích rừng thông vẫn bị lâm tặc triệt phá từng giờ. Và cứ theo tình trạng này, rừng thông trên sẽ bị xoá sổ hoàn toàn trong tương lai không xa.
Sáng 10/2, quản lý bảo vệ rừng Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, Đắk Nông) đi kiểm tra thì phát hiện tại lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 1699, mặt tiền QL14 thuộc xã Trường Xuân có 80 cây thông 30 năm tuổi, đường kính 15 - 35cm bị lâm tặc dùng cưa xăng đốn hạ trên một diện tích 2.100m2 (70m mặt tiền QL14, dài 30m). Có mặt tại hiện trường, chúng tôi không khỏi xót xa khi cây thông bị chặt đổ ngổn ngang còn xanh nguyên.
Theo nhận định của Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân, lâm tặc sẽ tiếp tục đốn hạ cây thông tại vị trí trên để lấy đất làm nhà và đất sản xuất. Chính vì vậy, đêm 10 rạng sáng 11/2, công ty cử 2 cán bộ thuộc lực lượng bảo vệ rừng mai phục để bắt lâm tặc.
Vào lúc 4h ngày 11/2, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện 2 đối tượng đội mũ len trùm kín chỉ để hở 2 mắt đang dùng cưa xăng đốn hạ thông tại toạ độ 0790163-1336838. Khi lực lượng tiếp cận, 2 tên cầm 2 cưa xăng đang nổ máy lao thẳng vào lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR).
Anh Phạm Thanh Sơn, Tổ trưởng QLBVR hô to tất cả bỏ cưa xuống thì bất ngờ xuất hiện tên lâm tặc thứ 3 dùng đèn pin dọi thẳng vào lực lượng QLBVR và dùng 1 cây mã tấu tấn công 2 cán bộ. Trước sự manh động của bọn lâm tặc, 2 cán bộ buộc phải né tránh nên 3 tên nhanh chân chạy trốn. Tại hiện trường, 3 cây thông đã bị đốn hạ.
Anh Phạm Thanh Sơn bị lâm tặc dùng mã tấu tấn công bên 80 cây thông bị đốn hạ.
Ông Trần Quyết Tâm, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân cho biết, 2 vụ phá rừng trên đều do một nhóm lâm tặc người địa phương gây ra, chúng rất manh động và sẵn sàng chống trả lại lực lượng bảo vệ rừng. Chúng phá rừng chủ yếu là lấy đất mặt tiền QL14, nếu trót lọt như diện tích 2.100m2 phá ở trên, chúng bán cho người khác bỏ túi tiền tỷ.
Trên địa bàn huyện Đắk Song còn có Công ty Lâm nghiệp Đắk Song (trụ sở ở xã Thuận Hạnh) được giao bảo vệ, sản xuất kinh doanh hơn 11 ngàn ha rừng và 220ha rừng thông QL14. Trong lâm phần này có nhiều gỗ nhóm I quí giá và đất đai phì nhiêu thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, di dân tự do ở các địa phương khác kéo về ngang nhiên chặt phá cây rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất.
Trước tình hình đó, lực lượng bảo vệ rừng đã kiên quyết ngăn chặn, nên chúng điên cuồng manh động nhiều lần đốt phá trạm bảo vệ rừng, đánh người, huỷ hoại tài sản của lực lượng bảo vệ. Chưa dừng lại ở đó, lâm tặc còn lén lút bỏ thuốc trừ sâu xuống giếng nước ăn của anh em bảo vệ.
Cách đây chưa lâu, anh Đặng Bá Hiển, Đội trưởng Đội Quản lý bảo vệ rừng thuộc Công ty Lâm nghiệp Đắk Song cùng với 3 bảo vệ đi tuần tra đã phát hiện trước nhà Vinh ở bản Đắc Thốt đang dùng cưa máy xăng xẻ gỗ trái phép. Khi bảo vệ tới, lâm tặc chạy mang cưa cất giấu và chúng quay lại dùng ĐTDĐ gọi đồng bọn tăng cường tới để hành hung bảo vệ.
Chưa dừng lại ở đó, vào lúc 21h30' cùng ngày, trên 50 đối tượng sau khi uống rượu đã tiến hành bao vây, hành hung, đốt cháy Trạm bảo vệ rừng của công ty đóng tại tiểu khu 1127 thuộc địa bàn xã Thuận Hà, hành hung anh Hiếu và Sơn, đồng thời đổ xăng lên người anh Trần Xuân Cường để đốt nhưng anh Cường nhanh chân chạy thoát thân vào rừng. Sau khi đánh người, nhóm người này đã phóng lửa đốt trạm cháy rụi.
Trước đó, trạm bảo vệ này cũng đã bị trên 40 lâm tặc đập phá hoàn toàn, khi bà Thái Thị Tú Anh, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đắk Song vào giải quyết vụ việc thì bị lâm tặc bao vây không cho đi về, bà Tú Anh chỉ về được khi lực lượng Công an huyện Đắk Song vào ứng cứu kịp thời.
Mặc dù chính quyền địa phương và Công ty Lâm nghiệp Đắk Song đã tạo điều kiện cấp đất sản xuất và cho xen canh trên diện tích đất công ty nhưng các hộ dân này vẫn ngang nhiên phá rừng lấy gỗ, lấy đất lập trang trại. Khi lực lượng bảo vệ phát hiện vụ vi phạm nào và muốn xử lý thì ngay lập tức các hộ dân trên huy động hàng trăm người già, trẻ em và phụ nữ bao vây khủng bố.
Tổ tuần tra bảo vệ đã nhiều lần phải dở khóc dở cười khi phát hiện các đối tượng đang phát rừng làm rẫy, khi lực lượng tới, đàn ông thì chạy trốn vào trong rừng, còn phụ nữ không chạy mà đứng lại cởi bỏ hết quần áo và miệng la hét vu cáo bảo vệ(!).
Sau sự kiện trên, lực lượng bảo vệ Công ty buộc phải rút ra, ngay lập tức trên 50ha trồng cây xoan được 2 năm tuổi của đơn vị bị người dân chặt phá trả thù, gây thiệt hại hàng tỷ đồng...